Những sai lầm thường gặp khiến trẻ em chậm phát triển
Luôn nhớ rằng bữa ăn mang lại nhiều ý nghĩa hơn là đồ ăn. Đây là thời gian để bạn tiếp xúc với con và hỗ trợ cho sự phát triển của con về mọi mặt. Nói chuyện với con trong suốt bữa ăn và không để con ngồi ăn một mình. Điều này sẽ giúp xây dựng nên mối quan hệ tốt đẹp.
Nội dung bài viết
Ảnh minh họa: Kidsmebaby. |
Việc ăn uống của trẻ chỉ đạt được hiệu quả cao khi cha mẹ và con hiểu rõ đâu là nhiệm vụ mỗi người phải làm. Bổn phận của cha mẹ là cung cấp cho con các loại thức ăn lành mạnh, giờ ăn thoải mái và cả những bữa ăn nhẹ. Bổn phận của trẻ là quyết định ăn món nào trên bàn ăn gia đình và dùng bao nhiêu là đủ. Phụ huynh áp dụng phương thức này khi cho con ăn, trẻ sẽ học được cách lắng nghe nhu cầu của cơ thể và lựa chọn những món ăn tốt cho sức khỏe. Điều này còn giảm thiểu những kháng cự không đáng có của bé trong giờ ăn.
Trong quá trình làm công tác tư vấn dinh dưỡng, bác sĩ Patty nhận thấy 9 sai lầm thường gặp của phụ huynh dễ khiến trẻ biếng ăn, chậm phát triển như sau:
Để bữa ăn diễn ra trong căng thẳng và khô khan
Luôn nhớ rằng bữa ăn mang lại nhiều ý nghĩa hơn là đồ ăn. Đây là thời gian để bạn tiếp xúc với con và hỗ trợ cho sự phát triển của con về mọi mặt. Nói chuyện với con trong suốt bữa ăn và không để con ngồi ăn một mình. Điều này sẽ giúp xây dựng nên mối quan hệ tốt đẹp.
Ép con phải ăn quá nhiều
Đừng cố ép trẻ phải ăn theo ý người lớn, thay vào đó hãy tạo nên thói quen tốt trong giờ ăn. Thói quen tốt khiến con cảm thấy yêu thương và an toàn, giúp chúng hứng thú trông chờ đến bữa ăn. Cha mẹ có thể tập cho con nói lời mời lễ phép như “Mời cả nhà ăn cơm”, hoặc “Cả nhà ăn ngon miệng”. Bạn cũng có thể cùng con chia sẻ điều gì đó trước mỗi bữa ăn.
Cho con ăn mà không có thời khóa biểu khoa học
Hãy lập một thời khóa biểu cho các bữa ăn và ăn nhẹ khi con được 9 đến 12 tháng tuổi. Cha mẹ có thể thống nhất những từ ngữ để dạy con liên tưởng được giữa chuyện đói và chuyện ăn. Chẳng hạn khi bé có biểu hiện đói, mẹ có thể nói với con: “Con đói rồi phải không? Ăn thôi nào!” hoặc những câu tương tự mà bạn sáng tác ra sẽ giúp con có phản xạ với cảm giác đói và ăn đúng bữa trong ngày.
Để con uống nhiều nước trái cây trước hoặc trong bữa ăn
Giới hạn việc uống nước trái cây khoảng 110 ml mỗi ngày. Nước trái cây có nhiều đường, trẻ uống vào sẽ thấy no và không có cảm giác thèm ăn khi đến bữa. Thay vào đó, bạn có thể thêm nước lọc vào nước trái cây hoặc cho con ăn trái cây tươi thay vì uống nước trái cây.
Ép con phải ngồi một chỗ ăn trong thời gian quá lâu
Hãy linh hoạt trong việc để con rời khỏi bàn ăn khi bé đã ăn xong. Trẻ nhỏ hay các bé tuổi chập chững thường không thể ngồi yên một chỗ quá lâu. Hãy lên kế hoạch cho 3 bữa ăn chính trong một ngày, mỗi bữa từ 10 đến 20 phút, bên cạnh đó cần có thêm từ 2 đến 3 lần ăn nhẹ trong khoảng 5 đến 15 phút.
Cho trẻ ăn lặp đi lặp lại vài món ăn mà bạn nghĩ là con thích
Ăn những món giống nhau nhiều lần sẽ khiến trẻ nhàm chán. Vì vậy đừng quên cho con thử các loại thực phẩm mới. Ở điểm này tính kiên nhẫn chính là chìa khóa quan trọng. Bạn có thể sẽ phải đưa món mới cho con từ 10 đến 15 lần trước khi bé thực sự ăn nó. Hãy khuyến khích con sờ, liếm và nếm món ăn mới để con thấy bạn ăn món ăn đó. Con sẽ học theo bằng cách quan sát và bắt chước cha mẹ.
Để con phân tâm trong bữa ăn
Màn hình tivi có thể sẽ làm con bạn phân tâm khỏi bữa ăn và trẻ không còn thời gian giao tiếp với mọi người trong gia đình. Do đó hãy tắt hết thiết bị có thể khiến trẻ phân tán chú ý vào bữa ăn như tivi, máy tính, hay các loại màn hình khác. Hãy nhớ rằng giờ ăn là cơ hội rất tốt để bạn giao tiếp với con.
Không chú ý tạo điều kiện để con hoạt động thể chất
Nhiều cha mẹ quá bận rộn với công việc và thú vui giải trí mà không còn thời gian chơi cùng con. Theo bác sĩ Patty, trong quá trình phát triển của trẻ cần có chế độ ăn uống lành mạnh và hoạt động thể chất luôn đi song hành cùng nhau. Vì thế cha mẹ hoặc anh chị lớn hãy cùng trẻ tham gia các hoạt động mỗi ngày, như đi bộ đến công viên hoặc khu vui chơi, nhảy múa theo điệu nhạc con thích.
Nếu phụ huynh nào luôn than rằng "tôi làm gì còn thời gian đi dạo với con", bác sĩ Patty khuyên hãy cắt giảm bớt thời gian dành cho việc xem tivi và sử dụng máy vi tinh rồi ra khỏi ghế salon. Thực tế cả người lớn và trẻ con thường xuyên ngồi trước màn hình điện tử sẽ có xu hướng ăn nhiều và trở nên béo phì.
Không tập cho trẻ ăn thực phẩm tươi
Sai lầm thường gặp nhất của nhiều phụ huynh là chỉ cho con bú sữa hoặc ăn dặm với thực phẩm dạng bột, cháo đóng hộp mà không tập dùng thực phẩm tươi khi còn nhỏ. Hậu quả là hệ tiêu hóa của trẻ không được "trải nghiệm" đa dạng thức ăn và dần trở nên yếu ớt. Nhiều đứa trẻ lớn lên chỉ thích dùng thức ăn chế biến sẵn nghèo dinh dưỡng và quay lưng lại với thực phẩm tươi rất giàu chất dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể. Chưa kể thực phẩm đóng gói luôn có lượng chất bảo quản nhất định không tốt cho trẻ nếu sử dụng lâu dài.
Bác sĩ Patty khuyên, ban đầu hãy tập cho trẻ làm quen với các loại thức ăn dễ tiêu, giàu dinh dưỡng như chuối nghiền, khoai lang chín, bơ nghiền, đậu mềm, thịt gà luộc nguyên chất mềm... Cha mẹ có thể đút cho con ăn hoặc đựng thực phẩm đã nghiền nhuyễn vào một chiếc túi nhai chống hóc để cho bé mút giống như bú bình sữa. Khi trẻ bắt đầu quen dần và cảm thấy thú vị, hãy cho ăn thường xuyên hơn và ngồi vào bàn ăn cùng cả nhà. Giữ nhịp độ như thế cho đến khi các em có thể tự ăn bằng tay hoặc thìa, nĩa.
Thụy Ân